• Tìm mã tin
  • Danh mục
  • Từ khóa

Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050

14:15 04/08/2014
1  2  3  4  5
0/5 - 0 Bình chọn - 1008 Lượt xem

(SQHKT) – Ngày 03/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg.

Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
 
 (SQHKT) – Ngày 03/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1065/QĐ-TTg.
Theo đó, Phạm vi lập quy hoạch vùng thành phố Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hồ Chí Minh và 07 tỉnh xung quanh gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang. Quy mô diện tích khoảng 30.404 km2. Dân số hiện trạng toàn vùng năm 2013 khoảng 18,023 triệu người. Vị trí, Phía Tây Bắc giáp Vương Quốc Campuchia, Phía Tây Nam giáp vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phía Đông Nam giáp biển Đông, Phía Đông Bắc giáp vùng duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên.
Mục tiêu của quy hoạch nhằm phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng kinh tế động lực hàng đầu của cả nước, có cơ cấu kinh tế hiện đại và là trung tâm kinh tế lớn của khu vực và châu Á. Xây dựng vùng trở thành trung tâm thương mại và tài chính, dịch vụ tầm quốc tế, cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của quốc gia; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao; trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao tầm khu vực.
Bên cạnh đó, phát triển vùng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững trên cơ sở phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết về động lực, cơ hội phát triển, bảo đảm phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan đặc trưng của vùng; đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát triển vùng phù hợp với yêu cầu chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Quy mô dân số trong vùng dự kiến đến năm 2020 khoảng 20 - 22 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 - 65%; đến năm 2030 khoảng 23 - 25 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 75%; Dự kiến quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2020 khoảng 180.000 - 210.000 ha; đến năm 2030 khoảng 220.000 - 240.000 ha. Dự kiến quy mô đất đai công nghiệp tập trung đến năm 2020 khoảng 30.000 - 40.000 ha; đến năm 2030 khoảng 40.000 - 50.000 ha.
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch yêu cầu cần phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng. Cụ thể, cần phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, đặc biệt đánh giá về vị trí địa kinh tế chính trị của vùng trong khu vực và thế giới. Phân tích, đánh giá tiềm năng tài nguyên tự nhiên và điều kiện xã hội; đánh giá hiện trạng phát triển vùng về kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất đai, không gian vùng, hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường; phân tích đánh giá các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động ngập lũ và các xu hướng, kịch bản biến đổi khí hậu tác động đến định hướng không gian vùng.
Bên cạnh đó, cần đánh giá việc thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đã được phê duyệt năm 2008, các quy hoạch ngành liên quan. Trong đó, đánh giá các ưu điểm và những hạn chế của đồ án trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội mới của quốc gia, quốc tế; đánh giá các chương trình, dự án, chiến lược phát triển ngành đã và đang được triển khai trong vùng, đặc biệt là các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đánh giá quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành của vùng thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng.
Nhiệm vụ quy hoạch cũng yêu cầu đề xuất điều chỉnh phân bố các vùng chức năng, bao gồm: Điều chỉnh phân vùng phát triển kinh tế và đô thị đáp ứng yêu cầu liên kết vùng và phát huy tiềm năng lợi thế riêng của các tỉnh trong vùng, tích hợp với phân vùng phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Điều chỉnh định hướng phân bố hệ thống đô thị, trong đó thành phố Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân động lực phát triển của toàn vùng, các đô thị, vệ tinh trong vùng trung tâm, hệ thống các vùng đô thị đối trọng, hệ thống đô thị theo các tuyến hành lang kinh tế đô thị hướng tâm, hệ thống các đô thị chuyên ngành. Xác định tính chất quy mô, chức năng các đô thị và phân loại đô thị. Định hướng phát triển không gian nông thôn phù hợp với đặc điểm tự nhiên, văn hóa truyền thống và điều kiện sản xuất và theo mô hình xây dựng nông thôn mới.
Điều chỉnh phân bố các vùng công nghiệp công nghệ cao, các vùng công nghiệp chuyên sâu, các vùng công nghiệp tập trung đa ngành gắn với các vùng đô thị trung tâm và các vùng đô thị đối trọng, các trục hành lang kinh tế đô thị và các đầu mối hạ tầng kỹ thuật của vùng, khai thác hiệu quả các lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực.
Điều chỉnh định hướng phân bố các vùng du lịch sinh thái rừng cảnh quan, đặc biệt rừng ngập mặn Cần Giờ, rừng Nam Cát Tiên, vùng ngập nước Đồng Tháp Mười, vùng biển đảo. Đề xuất các trung tâm du lịch tầm quốc gia, quốc tế về văn hóa lịch sử, giải trí. Đề xuất các tuyến du lịch quốc tế, quốc gia và nội vùng.
Điều chỉnh phân bố các vùng sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hình thành các vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp chuyên canh, vùng phát triển vườn cây ăn trái tập trung, các vùng rừng trồng, rừng phòng hộ, rừng ngập nước, rừng ngập mặn, hình thành các vùng đánh bắt nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Bảo tồn các vùng cảnh quan thiên nhiên, vùng sinh thái đặc trưng.
Ngoài ra, tổ chức không gian đô thị vùng thành phố Hồ Chí Minh theo hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, liên kết phát triển không gian đô thị vùng trung tâm và các chuỗi không gian đô thị theo các tuyến hành lang kinh tế đô thị hướng tâm, phát triển liên kết không gian đô thị tại các vùng đô thị đối trọng. Tổ chức không gian các khu công nghiệp tập trung, khu kinh tế cửa khẩu gắn với không gian đô thị và các trục hành lang kinh tế đô thị hướng tâm, các đầu mối hạ tầng kỹ thuật của vùng; tổ chức không gian các khu công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch tại vùng đô thị trung tâm và các khu công nghiệp tập trung chuyên sâu tại các cực đối trọng của vùng.